Ngày 29/06/2022 05:37

Thực phẩm từ thực vật không lành mạnh làm tăng nguy cơ ung thư vú

Phụ nữ thường xuyên ăn các thực vật không lành mạnh như bánh mì trắng, mì ống, bánh gạo... sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 20%.

Chế độ ăn uống có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư. Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt và chất xơ làm giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là chế độ ăn chay hoặc thuần chay tốt hơn cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải tất cả thực phẩm có nguồn gốc thực vật đều có lợi, thực phẩm chế biến từ thực vật không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

Đại học Paris-Saclay (Pháp) đã nghiên cứu mối liên hệ giữa chế độ uống và nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh. Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu của hơn 65.000 phụ nữ trong gần 20 năm. Các tình nguyện viên báo cáo chế độ ăn uống của mình và các nhà nghiên cứu đánh giá, phân loại gồm 2 nhóm: chế độ ăn uống dựa trên thực vật lành mạnh và không lành mạnh.

Chế độ ăn uống dựa trên thực vật lành mạnh gồm: nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu, trà và cà phê. Chế độ ăn uống dựa trên thực vật không lành mạnh gồm: lượng tiêu thụ cao các sản phẩm được chế biến từ thực vật như ngũ cốc tinh chế (bánh mì trắng, mì ống, bún gạo, bánh gạo), nước ép trái cây, đồ ngọt và món tráng miệng thực vật, khoai tây.

Thực phẩm từ thực vật không lành mạnh làm tăng nguy cơ ung thư vú

Bánh mì trắng thuộc nhóm ngũ cốc tinh chế. Ảnh: Freepik.

Kết quả công bố hôm giữa tháng 6 cho thấy, các nhà nghiên cứu ghi nhận gần 4.000 người tham gia mắc ung thư vú. Nguy cơ ung thư vú ở các tình nguyện viên càng giảm khi họ tuân thủ chế độ ăn uống dựa trên thực vật lành mạnh. Những phụ nữ thường xuyên ăn chế độ này ít có nguy cơ mắc ung thư vú hơn 14%, ngay cả khi họ ăn thêm thực phẩm có nguồn gốc động vật. Ngược lại, phụ nữ ăn chế độ dựa trên thực vật không lành mạnh có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 20%.

Nghiên cứu kết luận, tăng tiêu thụ thực phẩm từ thực vật lành mạnh và giảm tiêu thụ thực phẩm từ thực vật không lành mạnh có thể ngăn ngừa các loại ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh. Kết quả này có thể không áp dụng cho phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh do có khác biệt về sự phát triển của ung thư vú ở độ tuổi tiền và sau mãn kinh.

Theo các nhà nghiên cứu, chế độ ăn uống dựa trên thực vật lành mạnh cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh khác như tiểu đường và tăng huyết áp. Do đó, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu chế độ ăn uống dựa trên thực vật lành mạnh. Chế độ ăn dựa trên thực vật lành mạnh không nhất thiết phải ăn chay hoặc ăn thuần chay. Thay vào đó, mọi người chỉ cần ăn nhiều rau, trái cây, thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt và các nguồn protein lành mạnh (đậu, thịt gà tươi, cá, trứng) góp phần ngăn ngừa ung thư và một số bệnh khác.

Mai Cát

(Theo Medical News Today)

 

Theo: vnexpress.net