Sử dụng các món ăn bài thuốc tăng sức đề kháng, bồi bổ cơ thể là rất cần thiết trong mùa thu.
Mùa thu là thời điểm giao mùa từ hè sang đông, với sự thay đổi rõ rệt về thời tiết, nhiệt độ và độ ẩm trong không khí. Đây cũng là mùa mà nhiều người dễ mắc các bệnh cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, dị ứng và nhiều bệnh lý hô hấp khác do sức đề kháng suy giảm.
Việc sử dụng các món ăn bài thuốc có công dụng tăng cường sức đề kháng, bồi bổ cơ thể là rất cần thiết trong giai đoạn này của năm. Hãy cùng tìm hiểu lý do vì sao mùa thu lại dễ mắc bệnh và những món ăn bài thuốc giúp cơ thể khỏe mạnh hơn trong mùa thu này.
Củ mài bổ thận, ích phế, kiện tỳ, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
1. Vì sao mùa thu dễ mắc bệnh hơn?
Khi bước vào mùa thu, thời tiết có sự thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh vào sáng sớm và chiều tối, trong khi ban ngày vẫn có nắng. Sự thay đổi nhiệt độ này làm cho cơ thể khó thích ứng kịp thời, dẫn đến sức đề kháng bị suy giảm. Điều này tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển mạnh hơn, dễ dàng tấn công cơ thể.
Đồng thời, không khí mùa thu thường khô hanh, khiến cho niêm mạc mũi, họng dễ bị khô và mất đi lớp dịch nhầy bảo vệ tự nhiên. Hệ hô hấp dễ bị kích thích, nhạy cảm hơn với các tác nhân gây bệnh như bụi, phấn hoa, vi khuẩn…, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như viêm họng, viêm xoang, cảm cúm…
Ngoài ra, sự thay đổi độ ẩm trong không khí cùng với sự xuất hiện của các tác nhân dị ứng như phấn hoa và bụi mịn khiến cho những người có cơ địa nhạy cảm, hệ miễn dịch yếu thường bị tác động mạnh hơn, dễ bị bệnh hơn, đặc biệt các bệnh viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng…
Gà ác bồi bổ cơ thể trong mùa thu.
2. Món ăn bài thuốc tăng cường sức đề kháng trong mùa thu
Để bảo vệ sức khỏe trong mùa thu, việc sử dụng các món ăn bài thuốc kết hợp với các vị thuốc đông y là một giải pháp hữu hiệu. Dưới đây là một số món ăn giúp bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh tật trong mùa thu đơn giản, dễ kiếm, dễ làm.
2.1. Cháo hạt sen, củ mài (Hoài sơn liên tử cháo)Thành phần: Gạo tẻ 50g, hoài sơn (củ mài) 30g, hạt sen 30g, củ súng 20g, đường phèn 20g.Cách làm: Vo gạo. Ngâm hoài sơn, hạt sen và củ súng trong nước khoảng 30 phút. Sau đó, cho tất cả nguyên liệu vào nồi cùng 1 lít nước, nấu cho đến khi hạt sen, hoài sơn mềm. Khi cháo chín nhừ, thêm đường phèn vào khuấy đều cho tan. Dùng cháo khi còn ấm, mỗi ngày 1 bát giúp tăng cường sức đề kháng, bồi bổ cơ thể.
Theo Y học cổ truyền, hoài sơn có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ thận, ích phế, kiện tỳ, giúp tiêu hóa tốt, điều hòa chức năng tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng.
Hạt sen giúp dưỡng tâm an thần, kiện tỳ ích khí, bổ sung năng lượng cho cơ thể, đặc biệt tốt trong các trường hợp mệt mỏi, suy nhược.
Món ăn bài thuốc kết hợp với củ súng cũng có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, an thần, thích hợp cho những người suy nhược cơ thể, mất ngủ do thời tiết thay đổi.
Nấm linh chi ích khí, dưỡng huyết, an thần hiệu quả.
2.2. Canh gà hầm nhân sâm, kỷ tửThành phần: Gà ác 1 con (khoảng 500g), nhân sâm 5g, kỷ tử 15g, hoàng kỳ 10g, táo đỏ 5 quả, gừng 2 lát, gia vị.Cách làm: Gà ác làm sạch, bỏ nội tạng, ướp muối, gừng để khử mùi tanh. Cho gà vào nồi, thêm nhân sâm, kỷ tử, hoàng kỳ, táo đỏ vào. Đổ nước ngập gà, hầm nhỏ lửa trong khoảng 2 giờ. Nêm nếm gia vị vừa ăn, dùng khi còn nóng.
Món canh gà hầm nhân sâm, kỷ tử không chỉ có tác dụng tăng cường đề kháng mà còn giúp nâng cao sức khỏe toàn diện, điều trị mệt mỏi, suy nhược.
Món canh này rất tốt cho những người có sức đề kháng yếu, dễ cảm cúm, mệt mỏi do thời tiết giao mùa.
Nhân sâm là vị thuốc quý có tác dụng đại bổ nguyên khí, tăng cường sức đề kháng. Kết hợp hoàng kỳ bổ khí, cố biểu, điều trị mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Kỷ tử có tác dụng tốt trong việc bổ gan thận, tăng cường thị lực, giúp cải thiện khả năng miễn dịch.
Bí đỏ bổ tỳ vị, làm mạnh gân cốt.
2.3. Cháo bí đỏ với đậu xanh, ý dĩThành phần: Gạo nếp 50g, đậu xanh 30g, ý dĩ 20g, bí đỏ 100g.Cách làm: Gạo nếp vo sạch, đậu xanh và ý dĩ ngâm trong nước khoảng 30 phút cho mềm. Bí đỏ gọt vỏ, cắt thành miếng nhỏ. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, thêm 1,5 lít nước, đun sôi, sau đó ninh nhỏ lửa đến khi cháo chín nhừ. Nêm nếm gia vị theo khẩu vị, dùng cháo khi còn ấm.
Cháo bí đỏ giúp tăng cường hệ miễn dịch, bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết để cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh trong mùa thu. Ý dĩ, đậu xanh và bí đỏ đều là vị thuốc trong đông y. Ý dĩ vị ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng kiện tỳ, bổ phế, thanh nhiệt, giúp điều hòa chức năng tiêu hóa, cải thiện miễn dịch. Đậu xanh thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, dưỡng can. Bí đỏ giúp bổ tỳ vị, ích khí huyết, làm mạnh gân cốt.
2.4. Súp gà nấm linh chi, táo đỏThành phần: Gà ác 1 con, nấm linh chi 10g, táo đỏ 5 quả, kỷ tử 15g, gừng 3 lát, hành, tỏi băm.Cách làm: Gà ác làm sạch, chặt thành từng miếng nhỏ. Cho gà vào nồi, thêm nước vừa đủ ngập thịt gà, cho thêm gừng, táo đỏ, kỷ tử và nấm linh chi vào nồi. Đun sôi, sau đó hạ nhỏ lửa, hầm trong khoảng 1,5 - 2 giờ cho đến khi gà chín mềm. Nêm nếm gia vị vừa ăn, thêm hành và tỏi phi thơm để tăng hương vị cho món ăn. Dùng khi còn nóng, ăn kèm với cơm trắng hoặc bánh mì đều rất ngon.
Súp gà nấm linh chi và táo đỏ là món ăn có tác dụng đại bổ nguyên khí, đặc biệt tốt cho những người có thể trạng yếu, hay bị cảm lạnh và các bệnh lý đường hô hấp trong mùa thu.
Món súp này không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch mà còn làm giảm stress, mệt mỏi, an thần, hỗ trợ giấc ngủ. Nấm linh chi, táo đỏ giúp ích khí, dưỡng huyết, an thần hiệu quả. Kỷ tử có tác dụng bổ gan thận, sáng mắt, hỗ trợ tăng cường khả năng miễn dịch, phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến phổi và đường hô hấp.
2.5. Canh cá diếc nấu hoàng kỳ, đẳng sâmThành phần: Cá diếc 1 con, hoàng kỳ 20g, đảng sâm 15g, gừng tươi 1 củ, tỏi 2 tép.Cách làm: Cá diếc làm sạch, bỏ nội tạng và để ráo. Gừng gọt vỏ, đập dập; hoàng kỳ, đẳng sâm rửa sạch. Phi thơm tỏi, gừng với dầu ăn, sau đó cho cá diếc vào chiên sơ hai mặt để cá săn lại. Cho cá vào nồi cùng hoàng kỳ, đẳng sâm, 1 lít nước, đun sôi rồi hạ nhỏ lửa, ninh trong khoảng 45 phút. Nêm nếm gia vị vừa ăn, dùng khi còn nóng.
Món canh cá diếc nấu hoàng kỳ, đẳng sâm là bài thuốc bổ khí tuyệt vời, giúp tăng cường hệ miễn dịch, bồi bổ cơ thể, điều hòa chức năng tiêu hóa, cải thiện sức khỏe toàn diện. Đặc biệt, món canh này rất tốt cho những người dễ bị cảm lạnh, mệt mỏi, kém ăn trong thời tiết giao mùa như mùa thu.
Mùa thu là mùa của sự thay đổi, có nhiều tác động đến sức khỏe. Hãy bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình bằng cách áp dụng các món ăn bài thuốc hữu ích, duy trì lối sống lành mạnh để có một mùa thu thật khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng!
BSNT. Hương Trà
Theo: Nguồn thoidaiplus.suckhoedoisong.vn