Ngày 21/06/2022 05:56

Kháng kháng sinh ở trẻ

Nhiều khuẩn kháng thuốc tăng nguy cơ tử vong tăng cao, nhất là với nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn.

PGS.TS.BSS Nguyễn Thị Quỳnh Hương - Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp trẻ nằm viện, chưa từng dùng kháng sinh nhưng lại kháng kháng sinh. Nguyên nhân là bé bị lây vi khuẩn kháng kháng sinh trong cộng đồng từ giai đoạn học mẫu giáo. Mặc dù trẻ không dùng kháng sinh nhưng thói quen dùng thuốc kháng sinh tự kệ đơn vô tình biến môi trường cộng đồng thành ổ chứa các vi khuẩn kháng kháng sinh.

Theo bác sĩ Phan Thị Thu Minh - Phó trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội, vi khuẩn kháng thuốc theo các cơ chế: ngăn cản kháng sinh xâm nhập, tạo bơm đẩy kháng sinh ra dẫn đến kháng sinh bị vô hiệu hóa, sản xuất ra men phá hủy kháng sinh hoặc biến đổi cấu trúc các bộ phận của vi khuẩn khiến kháng sinh không nhận ra. Việc một trẻ chưa bao giờ dùng kháng sinh vẫn có thể lây nhiễm vi khuẩn kháng thuốc từ cộng đồng. Vì vậy, việc ngăn ngừa kháng kháng sinh là vấn đề của toàn cầu.

Kháng thuốc kháng sinh (AMR) xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng thay đổi theo thời gian, không còn đáp ứng với thuốc, làm cho bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong. Sử dụng sai cách, lạm dụng thuốc kháng sinh... là những nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của các mầm bệnh kháng thuốc. Tình trạng kháng thuốc khiến thuốc kháng sinh, các loại thuốc chống vi trùng khác trở nên vô hiệu, nhiễm trùng ngày càng trở nên khó hoặc không thể điều trị, tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng, tử vong.

Kháng kháng sinh là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Nếu không có thuốc kháng sinh hiệu quả, thành công của y học hiện đại trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả trong quá trình phẫu thuật lớn (đại phẫu), hóa trị ung thư... sẽ trở nên rủi ro.

Bác sĩ Quỳnh Hương khuyến cáo phụ huynh chỉ sử dụng kháng sinh sau khi có sự thăm khám của bác sĩ, sử dụng đúng liều lượng, đúng hướng dẫn. Trước khi dùng kháng sinh phải biết vị trí nhiễm trùng và mức độ để lựa chọn loại kháng sinh, đường dùng, thời gian dùng. Trên thế giới, việc sử dụng kháng sinh rất chặt chẽ, phải khám bệnh có đơn thuốc mới mua được. Ngay cả những công ty dược phẩm lớn đều tiếp cận với bác sĩ, cảnh báo bác sĩ là đừng dùng kháng sinh quá nhiều, vì dùng nhiều sẽ khiến thuốc của họ không còn tác dụng, không thể bán cho ai.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm, thường 100 trẻ đến khám bệnh thì có khoảng 80 cháu có bệnh do virus. Kháng sinh chỉ diệt vi khuẩn, mà các nguyên nhân gây bệnh lý ở trẻ nhỏ thường do virus đầu tiên. Phụ huynh cứ nghĩ kháng sinh là diệt tất cả, phải có kháng sinh thì con mới khỏi bệnh rồi dùng kháng sinh không đúng. Nếu trẻ nhiễm virus mà dùng nhầm kháng sinh thì khi virus đến ngày tự khỏi, bố mẹ lại nghĩ là do uống thuốc nên khỏi. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm, đến khi trẻ kháng thuốc thì không thể chữa được nữa. Khi hiểu rõ về kháng sinh thì mới dùng đúng, giảm thiểu nguy cơ kháng kháng sinh.

Nếu cho trẻ sử dụng kháng sinh bừa bãi, chỉ cần 3 lần là trẻ có nguy cơ kháng kháng sinh. Khi kháng tất cả các loại kháng sinh thì khi bị nhiễm virus, vi khuẩn, sẽ không có kháng sinh nào chữa được. Từ trước đến nay, kháng sinh chỉ diệt vi khuẩn, virus thì gần như vô tác dụng.

"Nhiều phụ huynh đưa con đến khám, yêu cầu uống kháng sinh, vì cháu phải uống kháng sinh mới khỏi. Kháng sinh không có nhiều loại, uống hết rồi không khỏi thì chuyển qua tiêm, nếu tiêm không khỏi thì làm gì? Kháng thuốc nguy hiểm, nhiều khi không chỉ một cá thể bị mà còn kéo theo cả cộng đồng bị lây nhiễm", bác sĩ Hương chia sẻ.

Kháng kháng sinh ở trẻ

Trẻ khám bệnh tại khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Thơ

Theo bác sĩ Quỳnh Hương, hiện tỷ lệ trẻ kháng kháng sinh rất cao. Nhiều phụ huynh hoảng hốt vì không thể tưởng tượng con mình bị kháng nhiều kháng sinh. Thực tế, rất nhiều cha mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị cho con với liều lượng kháng sinh không hợp lý, gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Kháng kháng sinh sẽ làm cho quá trình điều trị bệnh trở nên khó khăn, tốn nhiều thời gian hơn, làm trẻ mệt mỏi hơn.

Bên cạnh đó, có rất nhiều trường hợp phụ huynh rất sợ kê kháng sinh cho con, đến mức bác sĩ có chứng cứ rõ ràng là phải dùng kháng sinh nhưng bố mẹ vẫn lo lắng, tìm mọi cách điều trị khác không phải dùng kháng sinh.

Một lý do khác khiến trẻ kháng kháng sinh ngày càng nhiều, đó là cha mẹ tự ý ngừng thuốc không tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nếu phụ huynh cho trẻ ngừng thuốc sớm so với toa kê của bác sĩ, nhiễm trùng thật sự mới chỉ kìm khuẩn chứ chưa diệt hết được sẽ khiến vi khuẩn bùng trở lại, nguy cơ rất cao kháng thuốc đang dùng. "Có phụ huynh cho con uống thuốc kháng sinh 3 ngày, thấy tình trạng bệnh của con giảm là thôi không uống thuốc nữa. Đó là cách sử dụng kháng sinh rất sai, dẫn tới hậu quả là đến một ngày, cháu uống tất cả các loại kháng sinh từng uống đều không khỏi thì mới đến gặp bác sĩ", bác sĩ Quỳnh Hương cho biết.

Không ít trường hợp phụ huynh truyền tay nhau đơn thuốc để tự mua cho con uống vì "cùng triệu chứng". Điều này phản khoa học vì mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau, phản ứng mỗi bé một khác. Yếu tố cơ địa mỗi trẻ một khác nên cùng một bệnh nhưng với mỗi bé lại có cách điều trị riêng.

Theo bác sĩ Quỳnh Hương, tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam ở mức rất báo động. Các nghiên cứu cho thấy ngày càng có nhiều vi khuẩn như phế cầu kháng penicilin, vi khuẩn đường ruột kháng quinolon và tụ cầu vàng kháng meticillin tại cộng đồng. Nguyên nhân của xu hướng này là số lượng sử dụng thuốc kháng sinh ngày càng tăng, đặc biệt là trong môi trường cộng đồng. Ước tính hàng năm có khoảng 14 triệu kilogram thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi trong thức ăn chăn nuôi; 1,3 triệu kilogram thuốc kháng sinh được sử dụng cho con người. Đáng lo ngại là hầu hết các loại thuốc này sử dụng trong điều trị ngoại trú nhưng ước tính một nửa số thuốc kháng sinh ngoại trú được kê đơn cho các chỉ định không phù hợp, chẳng hạn nguyên nhân gây bệnh do virus. Những yếu tố này đã tạo ra một môi trường thuận lợi chứa các vi khuẩn kháng kháng sinh tồn tại.

Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. "Phụ huynh nên sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để bảo vệ con mình, bảo vệ cộng đồng và bảo vệ cả bác sĩ. Tất cả cần chung tay để đẩy lùi nguy cơ kháng kháng sinh. Muốn làm được điều này cần thay đổi nhận thức của một số ông bố bà mẹ đang 'thần thánh hóa' kháng sinh", bác sĩ Phan Thị Thu Minh cho biết.

Để làm được điều này, cần có sự chung tay từ cộng đồng để phòng vi khuẩn kháng kháng sinh bằng cách: không dùng kháng sinh bừa bãi (như chữa virus hay cảm cúm thông thường), không tự ý dùng kháng sinh khi chưa có đơn chỉ định từ bác sĩ, không tự ý dừng kháng sinh nếu bác sĩ chưa yêu cầu - ngay cả khi đã hết các triệu chứng lâm sàng, sử dụng đúng loại đúng liều lượng phù hợp chủng vi khuẩn gây bệnh.

Tuệ Diễm

Theo: vnexpress.net