Bệnh nhân là chị N.T.H. (61 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) đã phải chịu nhiều đau đớn trong suốt hơn 20 năm qua với chiếc mũi biến dạng, co rút hoàn toàn sau 7 lần sửa mũi thất bại.
Đại diện Bệnh viện JW cho biết, sau khi nhập viện, qua khai thác bệnh sử được biết, cách đây 20 năm, chị H. từng rất tự ti vì dáng mũi thấp tẹt, bè ngang của mình nên quyết định bán vàng để nâng mũi.
Bệnh nhân từng bán gia tài để sửa mũi nhưng bị biến chứng nặng.
Lần phẫu thuật đầu tiên, chị thực hiện đặt sóng nhân tạo tại một cơ sở spa ở địa phương. Nhưng không bao lâu sóng mũi bị tụt, chị đành ngậm ngùi đi rút sóng.
Sau một khoảng thời gian rút sóng, chị lại tiếp tục đến một bệnh viện đa khoa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh để nâng mũi bằng sóng nhân tạo và bọc sụn tai. Tuy nhiên, sau một thời gian đầu mũi quá nhọn, nên chị H. đã quyết định nhờ bác sĩ can thiệp chỉnh đầu mũi bằng cách bọc thêm sụn tai.
Kể từ lần bọc sụn tai lần 2, mũi chị H. bắt đầu có dấu hiệu nhiễm trùng, sưng viêm, nên chị H. đã tìm đến một cơ sở thẩm mỹ viện tại thành phố Hồ Chí Minh để tháo sụn cũ, đặt sụn mới với số tiền hơn 100 triệu.
Sau 6 năm đặt sụn mới, mũi chị H. tiếp tục nhiễm trùng, chảy dịch và đau nhức kéo dài nên chị H. đã tìm đến cơ sở thẩm mỹ viện để rút sóng.
“Sau 6 lần phẫu thuật thất bại, tôi lo sợ đặt sóng nhân tạo. Nhưng mũi khi tháo sóng bị co rút và biến dạng, không còn dáng mũi ban đầu, nên ở lần phẫu thuật thứ 7, tôi chỉ dám cấy mỡ tự thân vào sóng mũi để cải thiện độ cao dáng mũi", chị H. chia sẻ.
Sau cấy mỡ nâng mũi được 1 năm thì mỡ bị tiêu, chiếc mũi lại ngày càng co rút biến dạng, đặc biệt là 2 lỗ mũi ngày càng khít lại khiến việc thở trở nên khó khăn. Chị H. quyết định tìm đến bệnh viện chuyên khoa để nhờ cứu lại chiếc mũi.
Hơn 5 giờ phẫu thuật
Bệnh viện JW cho biết, hơn 5 giờ, ê kíp mổ cắt đoạn sườn, gọt vỏ sụn sườn hóa thạch, tái tạo lỗ mũi thở mới cho bệnh nhân.
Các bác sĩ cân não phẫu thuật cứu bệnh nhân sau 5 giờ.
TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân nhận định: “Đây là một trường hợp mũi bị biến dạng phức tạp, mô sẹo được hình thành co cứng do can thiệp phẫu thuật quá nhiều lần: đầu mũi co rút, trụ mũi sụp hoàn toàn, sụn vách ngăn vẹo lệch nên phải tái cấu trúc toàn bộ mũi. Đồng thời, cơ địa của bệnh nhân này không hợp với vật liệu sụn nhân tạo, nên phải thay thế bằng sụn sườn tự thân".
“Một trong những cái khó ở bệnh nhân này chính là sụn sườn xơ cứng, hóa đá nên việc lấy sụn sườn và sử dụng để tạo dựng thành trụ mũi rất khó. Ekip mổ đã phải tốn nhiều công sức, thời gian để cùng nhau giữ, kẹp và gọt vỏ sụn sườn, tránh cho sụn bị bung, gãy. Sau ca đại phẫu, dáng mũi chị H. sẽ cải thiện 50%-60%”, bác sĩ Dung chia sẻ thêm.
Nguyễn Lành
Theo: Nguồn www.nguoiduatin.vn